Việc kiểm tra và bảo dưỡng lốp xe rất quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của bản thân người lái cũng như những người xung quanh.
Giống như cần gạt nước kính chắn gió và lọc dầu, lốp xe là bộ phận dễ bị ăn mòn sau một thời gian sử dụng. Tuy nhiên, lốp xe lại ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của xe cũng như bản thân người lái và hành khách.
Cũng may là trước khi xẹp hoặc nổ, lốp xe thường có những dấu hiệu cảnh báo cho người lái. Dưới đây là một số “triệu chứng bệnh” của lốp xe mà chúng ta cần quan tâm và tìm biện pháp khắc phục.
Kiểm tra hông lốp
Hai phần chính cần được kiểm tra đầu tiên là hông và gai lốp. Gai lốp nằm trên mặt lốp nên được gia cố bằng nhiều tấm thép nhằm tránh bị dị vật đâm thủng. Tuy nhiên, phần hông lốp lại không được bảo vệ cẩn thận như vậy nên là phần dễ bị "tổn thương" nhất trên lốp xe.
Vì vậy, mỗi khi kiểm tra, bạn nên xem xét thành lốp cẩn thận và kỹ lưỡng nhất. Nếu phát hiện bất kì vết cắt, sùi hoặc nứt trên hông lốp, hãy đưa lốp xe đến đại lý để những người thợ chuyên nghiệp thẩm định. Một lời khuyên nữa là hãy luôn mang theo lốp dự phòng mỗi khi ra ngoài.
Kiểm tra gân lốp
Sau khi kiểm tra hông lốp, bạn nên kiểm tra qua gân lốp. Bắt đầu bằng việc kiểm tra độ sâu của gân. Việc này sẽ giúp bạn ước tính tuổi thọ của bộ lốp hiện đang sử dụng trước khi phải thay mới.
Mọi chiếc lốp đều có những mốc giúp kiểm tra độ mòn nằm dọc rãnh lốp giữa các gân lốp. Một khi những mốc này biến mất, đã đến lúc bạn nên thay một bộ lốp mới.
Trong khi kiểm tra, bạn cũng nên chú ý đến các vết mòn bất thường. Nếu độ mòn của lốp không đều nhau, hãy đánh dấu chỗ đó và tìm hiểu nguyên nhân. Thường thì có 3 nguyên nhân chính là lốp bị non, bị lệch và người sử dụng không đảo vị trí lốp thường xuyên.
Độ căng của lốp
Lốp không đủ độ căng là điều không tốt. Một bộ lốp non sẽ khiến hông lốp lún xuống. Từ đó, kéo theo tình trạng gân trên mặt lốp và cả hông lốp cũng bị mòn. Ngoài ra, lốp non cũng làm tăng lực cản và nhiệt độ, khiến lốp bị mòn nhanh hơn hoặc thậm chí gây nổ lốp.
Những chiếc lốp được bơm quá căng sẽ khiến lốp bị mòn ở giữa mặt lốp trong khi hai bên mặt lốp vẫn ở tình trạng khá tốt. Điều này cũng làm tăng tốc độ ăn mòn ở phần giữa mặt lốp và giảm tuổi thọ của lốp. Khi phát hiện thấy lốp quá căng, hãy giảm áp suất lốp xuống để đảm bảo lốp hoạt động ở điều kiện tốt nhất.
Khi bơm lốp, hãy chú ý đến nhiệt độ trung bình trong không khí. Nhiệt độ cao sẽ khiến không khí nở ra và tăng áp suất trong lốp. Ngược lại, nhiệt độ thấp sẽ khiến không khí co lại và giảm áp suất lốp. Vì vậy, hãy đều đặn kiểm tra áp suất lốp ít nhất 2 lần/tháng.
Cân chỉnh lốp
Lốp bị lệch có thể sẽ mòn không đều và mòn rất nhanh. Ngoải ra, tình trạng lệch cũng khiến độ bám đường của lốp xe giảm hẳn do diện tích tiếp xúc của mặt lốp với mặt đường bị thu hẹp. Khi phát hiện lốp bị lệch, hãy mang xe đến hãng để được kỹ thuật viên cân chỉnh lại.
Đảo vị trí lốp
Thông thường, lốp trước sẽ mòn nhanh hơn lốp sau do phải chịu ma sát nhiều hơn khi ôm cua. Ngoài ra, lốp trước ở những xe sử dụng hệ dẫn động cầu trước mòn nhanh hơn ở các xe khác. Biện pháp khắc phục đơn giản nhất cho vấn đề này là đảo vị trí lốp trước và sau một cách định kỳ
0 nhận xét :
Đăng nhận xét